• +84 (028) 710 99 246
  • This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.

Khoa Môi trường

Ngôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lựcNgôi sao không hiệu lực
 

Giới thiệu chung

 “Dù ai đi ngược về xuôi,

Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”

     Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về số lượng và chất lượng của đội ngũ cán bộ kỹ thuật-công nghệ và quản lý chuyên ngành môi trường, nhằm phục vụ đắc lực cho quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội bền vững của thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng bằng sông Cửu Long và cả khu vực miền Trung, ngành Môi trường của trường Đại học dân lập Văn Lang đã được thành lập vào năm 1995, đúng ngày “Giỗ tổ Hùng Vương” 10/3 âm lịch, cùng với ngày thành lập Trường. Và chỉ hai năm sau, với tốc độ phát triển “Thánh Gióng”, Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường đã được thành lập vào ngày 7 tháng 11 năm 1997, đúng ngày kỉ niệm Cách Mạng Tháng Mười của nước Nga Xô Viết, sự trùng hợp “ngẫu nhiên”!

     Với mục đích chính là đào tạo các kỹ sư công nghệ và quản lý môi trường vừa có “tâm” (say mê nghề nghiệp) vừa có “tầm” (giỏi về chuyên môn), kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học, giữa liên kết trong nước và hợp tác quốc tế, sau 15 năm (1995 -2010) thành lập, xây dựng và phát triển, Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường của trường Đại học dân lập Văn Lang đã đóng góp không nhỏ trong cả hai lĩnh vực, (1) cung cấp cho xã hội một đội ngũ kỹ sư (hơn 720), thạc sĩ (Msc) (hơn 27) và tiến sĩ (Ph.D) (9) kỹ thuật-công nghệ và quản lý môi trường có trình độ chuyên môn ngày càng cao đáp ứng được nhu cầu của thực tế đòi hỏi, và (2) tham gia công tác nghiên cứu khoa học với nhiều công trình có giá trị thực tiễn và kinh tế cao cho thành phố Hồ Chí Minh, cũng như cho các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Đồng bằng sông Cửu Long (Mekong), Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học đã mở ra các lĩnh vực mới về kỹ thuật-công nghệ và quản lý môi trường, như bãi chôn lấp tuần hoàn, đô thị-công nghiệp sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu,.... Không thỏa mãn với thành tích đã đạt được, nhằm phát triển Khoa một cách có định hướng với tầm nhìn 15-20 năm tới, nhằm giúp thế hệ sau kế thừa và phát triển thành quả của thế hệ đi trước, khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường đã điều chỉnh và bổ sung “Chiến lược phát triển khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường, giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030” với mục đích nâng cao hơn nữa chất lượng và số lượng của đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu, đổi mới và hiện đại hóa chương trình và phương pháp giảng dạy, trang thiết bị thí nghiệm, tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, mở rộng hợp tác quốc tế, áp dụng thành tựu khoa học vào thực tế, đưa chất lượng đào tạo của Khoa ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực châu Á và một vài mặt nào đó có thể sánh vai với các nước phát triển trên thế giới.

Lịch sử hình thành

     Cùng với sự ra đời của trường Đại học dân lập Văn Lang, ngành Môi trường được thành lập vào năm 1995, thuộc khoa Khoa học Ứng dụng. Trong thời gian đầu (1995-1997), khoa Khoa học Ứng dụng gồm 4 ngành kỹ thuật, (1) ngành xây dựng và kiến trúc, (2) ngành điện lạnh, (3) ngành kỹ thuật môi trường, và (4) ngành sinh học, với tổng số khoảng 600-700 sinh viên. Riêng ngành môi trường mỗi năm có khoảng trên dưới 100 sinh viên và toàn bộ cán bộ giảng dạy đều thỉnh giảng từ trường đại học Khoa học Tự nhiên, đại học Xã hội Nhân văn, và từ một vài trung tâm, viện nghiên cứu. Chương trình giảng dạy chủ yếu chủ yếu là các môn khoa học môi trường với mục đích đào tạo cử nhân môi trường. Do định hướng đào tạo và kinh phí đầu tư có hạn, sinh viên của năm học 1995-1996 và 1996-1997 đều chỉ được học lý thuyết mà không có phòng thí nghiệm phân tích và phòng thí nghiệm công nghệ môi trường.

     Đến năm 1997, do thực tế và khả năng phát triển của ngành Môi trường, thêm vào đó dự án hợp tác về đào tạo và nghiên cứu với trường Đại học Wageningen (Hà Lan) nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố Hò Chí Minh và các tỉnh phía Nam, với đề nghị của ngành Môi trường, trường Đại học dân lập Văn Lang cho phép thành lập Khoa Công nghệ Môi trường và theo đề nghị của ông Hiệu trưởng về việc giúp cho ngành công nghệ sinh học phát triển, khoa Công nghệ Môi trường và Công nghệ Sinh học được thành lập ngày 7 tháng 11 năm 1997. Sau năm năm, đến năm 2002 nhằm tạo điều kiện cho khoa Công nghệ Môi trường phát triển, trường đã tách ngành công nghệ sinh học ra khỏi khoa Công nghệ Môi trường. Từ năm 2004, do nhu cầu của xã hội, chương trình đào tạo và lĩnh vực hoạt động Khoa đổi tên thành  “Khoa Công nghệ và Quản lý Môi trường, với chức năng và nhiệm vụ như sau:

Chức năng

  • Đào tạo bậc đại học (kỹ sư) và trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) chuyên ngành công nghệ và quản lý môi trường;
  • Nghiên cứu khoa học và tư vấn trong lĩnh vực môi trường và các lĩnh vực liên quan.
  • Thực hiện các chương trình đào tạo ngắn hạn

Nhiệm vụ

  • Thực hiện công tác giảng dạy cho trường và tham gia các chương trình giảng dạy khác;
  • Xây dựng đội ngũ cán bộ giảng dạy cơ hữu có học hàm, học vị;
  • Biên soạn chương trình đào tạo cho bậc kỹ sư ngành công nghệ và quản lý môi trường;
  • Biên soạn chương trình đào tạo cho các bậc đào tạo trên đại học (thạc sĩ Msc và tiến sĩ Ph.D) ngành công nghệ và quản lý môi trường;
  • Biên soạn giáo án giảng dạy;
  • Biên soạn và xuất bản sách giáo khoa và tài liệu chuyên ngành;
  • Xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học (phòng thí nghiệm, thư viện) và quan hệ quốc tế;
  • Thực hiện các đề tài nghiên cứu trong và ngoài nước;
  • Tham gia các dự án quốc tế về lĩnh vực môi trường;
  • Tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn;
  • Tham gia công tác quản lý sinh viên và các hoạt động của trường;
  • Thực hiện công tác tư vấn nhằm nâng cao kinh nghiệm thực tế và đời sống cán bộ.

© 2024 Khoa Công Nghệ. Phát triển bởi Phòng CNTT